Có nên xây nhà vào mùa mưa hay không? Đây là câu hỏi của rất nhiều chủ đầu tư đang có ý định xây nhà. Nhiều người cho rằng việc chọn thời điểm xây nhà đã có các thầy phong thủy lo. Nếu suy nghĩ vậy thì bạn đã sai lầm, chọn thời điểm thích hợp để làm nhà là do chính bạn quyết định. Bởi nó phụ thuộc vào việc bạn đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện về thủ tục, kinh tế chưa? Ngoài ra, yếu tố thời tiết cũng là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến thời điểm làm nhà.
Theo quan điểm thông thường, có thể bạn và nhiều người khác sẽ nghĩ rằng làm nhà vào mùa khô sẽ tốt hơn mùa mưa. Thế, lẽ nào cả 6 tháng mùa mưa đều khó khăn? Hôm nay chúng tôi xin giải đáp thắc mắc băn khoăn “có nên xây nhà vào mùa mưa” cho những ai đang có ý định làm nhà.
1. Có nên xây nhà vào mùa mưa? Ưu và nhược điểm khi xây nhà vào mùa mưa
Làm nhà vào mùa khô tốt hơn là suy nghĩa của nhiều người. Không phải tự nhiên lại có đánh giá này từ số đông người làm nhà. Vậy lý do gì khiến đa số chủ đầu tư suy nghĩ vậy? Chúng tôi sẽ đưa ra những ưu và nhược điểm của việc làm nhà vào mùa khô và mùa mưa. Trên thực tế không có phương án nào hoàn hảo trong việc chọn mùa nào để xây nhà với khí hậu Việt Nam, chỉ có phương án phù hợp nhất với bạn mà thôi.
Ưu, nhược điểm xây nhà vào mùa khô
Xây nhà vào mùa khô sẽ có những điều thuận lợi như làm cho việc đổ bê tông thuận lợi hơn, nhanh khô, từ đó đẩy nhanh tiến độ công trình. Ngoài ra, thi công nhà vào mùa khô cũng sạch sẽ hơn và thợ cũng như chủ nhà đỡ vất vả hơn. Một thuận lợi nữa khi bạn làm nhà vào mùa khô là giá nhân công sẽ không bị tăng cao.
Tuy nhiên nhược điểm lớn của mùa khô khi làm nhà là về mặt kết cấu, bê tông đổ vào mùa này dễ nứt do giãn nở nhiệt nếu không bảo dưỡng tốt. Xây nhà vào mùa khô còn hạn chế là không giúp chủ nhà kiểm tra được chất lượng công trình, khó phát hiện nhà bị thấm ở đâu. Với trời nắng gắt luôn phải thường xuyên tưới nước để tránh thoát ẩm ở bề mặt bê tông, điều này cũng và một nhược điểm khi xây nhà vào mùa khô. Hơn nữa mùa khô trời nóng bức cao điểm khiến nhân công cũng nhanh mệt hơn, nhiều chủ thầu thường thay đổi lịch làm việc cho công nhân để tránh nắng như làm việc sớm hơn vào buổi sáng, muộn hơn vào buổi chiều.
Ưu, nhược điểm khi xây nhà vào mùa mưa
Xây nhà vào mùa mưa? Nếu bạn nghĩ là không nên vậy tại sao những công trình ngoài kia mà bạn có thể dễ dàng bắt gặp vẫn đang diễn ra liên tục suốt cả năm?
Theo các chuyên gia xây dựng thì làm nhà vào mùa mưa có những ưu điểm lớn khiến bạn sẽ thay đổi suy nghĩ. Đầu tiên vào mùa mưa, đất sẽ mềm hơn giúp bạn gia công nền móng, từ đó giúp căn nhà vững chãi, chắc chắn hơn. Bên cạnh đó, xây nhà vào mùa mưa khi nhiệt độ không khí giảm xuống đáng kể, độ ẩm tăng lên là điều kiện tốt để đổ bê tông được chắc hơn.
Nếu như vào mùa khô bạn thường xuyên phải tưới nước nên nền và tường hoặc bê tông sau khi đổ thì vào mùa mưa bạn không phải vất vả thực hiện công đoạn đó nữa. Nước mưa sẽ làm bê tông chắc hơn. Trời mưa tuy có hơi cực một chút nhưng bù lại, tôi có thể kiểm tra tốt hơn một số công đoạn của thợ xây dựng mà vào lúc trời nắng khó chính xác. Xét về công việc đổ bê tông, trời mưa hay nắng đều phải che chắn, nhưng gặp lúc mưa vừa phải, độ ẩm trên bề mặt bê tông được đảm bảo, hơi nước không thoát nhanh giúp cho bê tông được bảo dưỡng tốt hơn.
Về kết cấu, đổ bê tông vào mùa mưa ít bị giãn nở và dễ thấy được những lỗi giãn nứt, rò rỉ để tiến hành chống thấm kịp thời. Ví dụ như tô tường (trong và ngoài), chống thấm và bả mastic sơn nước, nếu làm ẩu thì sau một trận mưa sẽ thấy dấu vết ngay. Làm nhà xong trong mùa khô rồi đến khi thợ tvà nhà thầu đã rút đi cả, lúc mưa xuống phát hiện ra thấm dột muốn chỉnh sửa cũng khó khăn hơn nhiều. Khi xây và tô tường luôn cần tưới nước ướt tường, nếu tại khu vực xây dựng thiếu nước, nước yếu hoặc xây trên lầu cao thì chính gạch ướt do mưa giúp dễ xây tô hơn.
Đa số mọi người đều lo lắng khi trời mưa sẽ làm ướt vật liệu dẫn đến hao hụt hay khó thi công. Không cần lo lắng nữa vì những đơn vị xây dựng chuyên nghiệp luôn có các biện pháp che chắn, đảm bảo an toàn cho công trình và người lao động. Mùa mưa cũng là lúc khí hậu mát mẻ hơn, những công đoạn thi công như tô trát tường ngoài, lợp mái, nhất là bả mastic sơn nước sẽ đỡ bụi hơn mùa khô nhiều. Việc chống thấm trong mùa mưa cũng dễ kiểm tra và thực hiện theo kiểu cho thấm no để không còn thấm được nữa. Ví dụ như ngâm nước xi măng sàn ban công và sàn vệ sinh cho đến lúc không còn vết thấm nào thì mới tiến hành hoàn thiện.
Tuy nhiên xây nhà vào mùa mưa cũng mang những nhược điểm nhất định. Công việc của công nhân vào mùa mưa sẽ vất vả và nguy hiểm hơn, vì vậy, giá nhân công xây nhà mùa mưa cũng cao hơn so với mùa khô. Vật liệu xây dựng vào mùa mưa nếu không có biện pháp che chắn, bảo quả khô ráo dễ bị ướt và bẩn. Đặc biệt là cát xây nhà vào mùa mưa sẽ không được sạch như mùa khô, quá trình sàng lọc cát cũng khó khăn hơn, chưa kể nước mưa mang theo bụi bẩn làm cho cát thêm bẩn hơn. Thêm nữa, ván copha, cây chống dễ bị trương nở mau hư hỏng.
Chất lượng bô tông vữa cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, nếu là vật liệu gỗ lắp đặt vào mùa mưa thì đến mùa nắng sẽ bị cong vênh vì nắng nóng sẽ làm gỗ nở ra. Vào những ngày mưa to quá, công nhân sẽ không thể thi công ngoài trời, do đó tiến độ bị kéo dài so với sự kiến.
Dù là mùa mưa hay mùa mưa thì cũng có những ưu và nhược điểm khác nhau, bạn cần hiểu được điều đó để có lựa chọn phù hợp và chuẩn bị những biện pháp khắc phục thích hợp cho ngôi nhà của mình.
2. Kinh nghiệm xây nhà vào mùa mưa
Khi quyết định xây nhà vào mùa mưa, bạn không cần lo lắng, hãy chuẩn bị mọi thứ kỹ lưỡng để có một ngôi nhà chất lượng, kịp tiến độ. Dưới đây là một số lời khuyên của kiến trúc sư khi xây nhà vào mùa mưa.
a. Chọn vật liệu xây dựng cho mùa mưa
Tuy nhiên chọn vật liệu xây dựng nào cho mùa mưa thì không phải ai cũng biết. Nhiều người có quan điểm đợi giá vật tư rẻ mới tiến hành xây nhà, hoặc khi thấy giá vật tư rẻ sẽ mua về trước để trữ ở đó nhằm tiết kiệm chi phí. Đây là một quan điểm sai vì thực tế các vật liệu xây dựng trong cùng một thời điểm sẽ tăng, giảm khác nhau. Vật liệu này giảm thì vật liệu kia tăng. Do vậy cách này sẽ không làm giảm chi phí cho ngôi nhà của bạn.
Xây nhà vào mùa mưa quan trọng nhất là việc chống thấm, trong chống thấm quan trọng là sơn nhà. Do đó chọn loại sơn nào khi xây nhà vào mùa mưa cũng là một việc khó khăn. Bạn nên chọn loại sơn chất lượng tốt, uy tín để đảm bảo chống thấm, chống bám bụi và dễ dàng lau chùi. Hiện nay một số loại sơn đa năng được ưa chuộng như Expo, Spec, Mycolor, Tison… giá những loại này chênh lệch nhau không là bao, dao động từ hơn 220.000 đồng đến 400.000 đồng/thùng 5 lít.
Một điểm chú ý trong chống thấm ngôi nhà mua một số loại phụ gia trộn trực tiếp với vữa, xi măng nhằm cải thiện chất lượng vữa, tăng chức năng chống thấm tường, sân thượng và nhất là nhà vệ sinh. Cách chống thấm tốt nhất là dùng vữa xây bằng cát vàng trộn với xi măng và nước vôi. Hoặc có thể chỉ dùng cát vàng trộn xi măng cũng được. Tỷ lệ tốt nhất là 3 phần cát 1 phần xi măng, hoặc 4 phần cát 1 phần xi. Ngoài ra bạn có thể dùng các vật liệu như gạch ốp, gạch inax để ốp vừa trang trí vừa chống thấm cho các vị trí trong ngôi nhà.
Gạch là vật liệu quan trọng nhất khi thi công xây nhà, bạn nên lựa chọn kỹ lưỡng. Qua mắt thường bạn cũng có thể kiểm tra chất lượng gạch, gạch tốt thường có góc cạnh rõ ràng, màu sắc tương đồng, thân gạch không có các vết nứt.
Một viên gạch chất lượng tốt sẽ không vỡ khi rơi từ độ cao 1m, đồng thời gõ hai viên gạch vào nhau, gạch tốt sẽ phát ra âm thanh dứt khoát. Bạn cũng có thể kiểm tra chất lượng gạch bằng cách ngâm viên gạch trong 24h. Nếu trọng lượng gạch tăng thêm 15% thì chất lượng gạch không tốt, không nên dùng. Một viên gạch 2kg nếu chất lượng tốt thì trọng lượng không vượt quá 2.3kg sau khi ngâm nước 24h.
Cát cũng là một vật liệu quan trọng trong xây dựng nên cần phải kiểm tra kỹ càng về chất lượng trước khi quyết định mua. Để xác đinh vật liệu xây dựng chất lượng cát bạn có thể lấy một vốc cát rồi nắm lại. Nếu thấy chất bẩn (bùn) dính lại trong lòng bàn tay thì tức là trong cát có chứa đất sét, sạn bẩn. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Nếu muốn sử dụng tiếp nên sàng lọc một lần nữa.
Thêm một cách kiểm tra khác là đổ cát vào một nửa bình thủy tinh, thêm một ít nước vào rồi khuấy lên, phần cáy thực sẽ lắng xuống dưới còn chất bẩn sẽ nổi lên. Nhìn chung để công trình xây dựng đảm bảo bền vững cát sử dụng phải đảm bảo sạch, cát không thể chứa đất sét, chất bẩn, mica hay vỏ sò…Vào mùa mưa so nước mưa cuốn theo đất và bụi bẩn nên làm cho cát bị bẩn hơn. Do đó ngoài việc lựa chọn cát sạch, chất lượng, bạn cần có giải pháp kê cao hoặc che chắn cho vật liệu này.
Xi măng là thành phần quan trọng gắn kết cát, đá và nước lại với nhau để tạo hình cho công trình. Nên chọn những hãng xi măng có chất lượng, uy tín được nhiều nhà thầu ưa chuộng. Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6260:2009 là tiêu chuẩn được áp dụng chính thức và bắt buộc đối với sản phẩm xi măng hỗn hợp tại Việt Nam hiện nay. Xi măng PC30, 40 hay 50 là các loại xi măng do có cường độ chịu nén tối thiểu của mẫu vữa sau 28 ngày khác nhau, theo chuẩn gọi là “mác xi măng”. Loại xi măng có “mác” càng cao thì bê tông sẽ có khả năng chịu lực tác động càng lớn, dẫn đến tăng độ bền vững của ngôi nhà.
Người tiêu dùng cần lưu ý chọn đúng sản phẩm xi măng ghi rõ PCB40 trên vỏ bao để đảm bảo chất lượng của ngôi nhà mình. Ngoài ra việc chọn xi măng trắng hay xi măng chịu nhiệt phải phù hợp với mục đích sử dụng. Vào mùa mưa, bạn cần bảo quản thật kỹ các bao xi măng và tuyệt đối tránh bị thấm nước. Kho chứa vật liệu xây dựng phải khô ráo, sạch sẽ, có tường bao và mái che đàng hoàng.
Đá là vật liệu không thể thiếu để tăng sức chịu lực cho công trình. Đá sử dụng cho bê tông phổ biến hiện nay là đá 1×2 (kích thước hạt lớn nhất 20mm – 25mm). Cốt liệu đá phải sạch tạp chất khi đưa vào trộn bê tông. Khi chọn loại đá cho xây dựng nên chọn loại đá thông dụng dạng hình khối không chứa nhiều thành phần tạp chất, ít thành phần hạt dẹt.
Trên thị trường hiện nay có 2 loại đá chính là đá đen và đá xanh. Đá xanh có nguồn gốc là đá Hóa An hay đá xanh Đồng Nai hai loại đá này có cường độ chịu nén cao hơn rất nhiều so với loại đá đen. Loại đá đen có nguồn gốc từ nhà máy đá bình điền thường được sử dụng để trải nền đường loại đá này khá mềm rất dễ vỡ. Chính vì chất lượng khác nhau nên giá thành cũng khác nhau, đá xanh có giá cao hơn từ 40-50% loại đá đen. Vì chất lượng ngôi nhà bạn là trên hết nên chúng tôi sử dụng loại đá xanh cho toàn bộ các cấu kiện bê tông cốt thép.
b. Xử lý đổ bê tông gặp trời mưa
Điều kiêng kỵ nhất trong đổ bê tông là sau khi mới đổ xong lại gặp trời mưa. Để tránh tình trạng xấu xảy ra là đổ bê tông gặp mưa, bạn nên thấm nhuần quan điểm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, cách khắc phục chỉ là hỗ trợ sau này. Bởi vì khi hiện tượng, sự việc đã xảy ra bạn mới tìm cách khắc phục thì không còn ý nghĩa nữa. Do đó, cần phòng ngừa từ trước. Tức là trước lúc đổ bê tông ta nên có công tác kiểm tra và chuẩn bị các vật dụng cần thiết khi có mưa: Như làm hệ thống thu và tiêu thoát nước mưa (nếu đổ bê tông hố móng), chuẩn bị những thứ có thể dùng làm che, chẵn mưa trước khi thi công. Khi mưa đã xẩy ra thì ta căn cứ vào lượng mưa thực tế để đánh giá mức độ mưa làm ảnh hưởng đến bê tông. Việc xử lý mạch ngừng đơn giản hơn nhiều so với xử lý bê tông không đảm bảo chất lượng do mưa (có khi phải đập bỏ thi công lại).
Nếu lượng mưa nhỏ có thể vẫn cho thi công nếu đổ bê tông dầm, cột nhưng phải che mặt để hạn chể ảnh hưởng đến tỷ lệ xi măng/ nước gây ảnh hưởng đến cường độ bê tông hoặc mưa gây rỗ mặt bê tông. Nếu mưa lớn thì nên che bạt lại rồi và chờ đến khi tạnh thì thi công tiếp. Tuy nhiên nếu đang thi công mà vì trời mưa phải dừng lại thì cần lưu ý xử lý mạch ngừng bê tông cho hợp lý nếu không sẽ ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của công trình, làm cho chất lượng công trình không đảm bảo. Cần xử lý mạch ngừng kỹ lưỡng để 2 lớp bê tông mới và cũ bám dính vào nhau.
- Cần vệ sinh sạch và tưới nước xi măng lên trên bề mặt lớp bê tông cũ trước khi đổ lớp mới lên
- Đánh sờn bề mặt, đục hết những phần không đạt chất lượng rồi tưới nước xi măng lên
- Cần sử dụng các phụ gia kết dính cho mạch ngừng
- Đặt sẵn lưỡi thép tại vị trí mặt ngừng khi thi công lớp bê tông trước
3. Một số lưu ý quan trọng khi xây nhà vào mùa mưa
- Để có được quá trình thi công nhà hoàn hảo nhất vào mùa mưa thì phải thường xuyên kiểm tra công trình để phát hiện và xử lý kịp thời những lối phát sinh.
- Tất cả vật tư, thiết bị phải được đặt cách mặt đất và có lớp kê, được che phủ cẩn thận. Bảo quản xi măng tránh ngập nước: Trên phương tiện xe vận chuyển: sàn xe phải khô, có mái bạt che mưa che nắng. Kho chứa xi măng phải khô ráo, sạch sẽ, có tường bao và mái che.
- Các chuyên gia cũng khuyên rằng đối với những nhà làm mái bằng bê tông nên lợp thêm mái tôn lên trên nữa. Vì lợp mái tôn sẽ có độ dốc cho nước chảy, không bị ứ động trên sàn mái bằng bê tông. Đồng thời với cách làm này, vừa chống thấm vừa vừa chống nóng, giảm bụi cho ngôi nhà của bạn.