Bê tông là một loại đá nhân tạo, được hình thành bởi việc trộn các thành phần: Cốt liệu thô, cốt liệu mịn, chất kết dính,... theo một tỷ lệ nhất định (được gọi là cấp phối bê tông). Trong bê tông, chất kết dính (xi măng + nước, nhựa đường, phụ gia...) làm vai trò liên kết các cốt liệu thô (đá, sỏi,...đôi khi sử dụng vật liệu tổng hợp trong bê tông nhẹ) và cốt liệu mịn (thường là cát, đá mạt, đá xay,...) và khi đóng rắn, làm cho tất cả thành một khối cứng như đá. Tùy vào các loại chất kết dính khác nhau ta có: bê tông xi măng, bê tông nhựa, bê tông Asphalt, bê tông Polyme và các loại bê tông đặc biệt khác.
Bê tông là một thành phần quan trọng trong thi công các công trình xây dựng. Đây là hạng mục chiếm khối lượng vào loại lớn nhất trong thi công các kết cấu xây dựng lớn. Chấ lượng bê tông ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chịu lực, khả năng chống thấm hiệu quả của công trình xây dựng. tuy nhiên việc sản xuất bê tông và việc thi công bê tông lại rất dễ gặp sự cố cần phải xử lý. Hôm nay công ty Kiến trúc và đầu tư xây dựng Angcovat xin giới thiệu về nguyên nhân của các hiện tượng đó và các biện pháp xử lý khuyết tật bê tông để đảm bảo chất lượng của bê tông.
Các khuyết tật bê tông có thể quan sát thấy bằng mắt thường khí nó xuất hiện trên bề mặt cấu kiện bê tông với kích thước đủ lớn hoặc phải có sự trợ giúp bởi các thiết bị chuyên dụng nếu nó có kích thước bé hoặc nằm sâu trong lòng các cấu kiện.
Xem thêm: Nhà 1 tầng có tầng hầm vô cùng đẹp
1. Biện pháp xử lý khuyết tật bê tông chậm đóng rắn, cường độ thấp
Bê tông chậm đóng rắn chính là hiện tượng bê tông đổ sau 1-2 ngày nhưng cường độ rất yếu, có thể chỉ tại 1 vài khoảng nhỏ.
- Nguyên nhân:
- Vị trí bê tông yếu bị lẫn quá nhiều nước.
- Đầm không đủ hay đầm quá kỹ gây phân tầng bê tông.
- Cát quá mịn hay vật liệu bị lẫn nhiều tạp chất.
- Vị trí bê tông yếu bị lẫn nhiều mẻ bê tông khác nhau.
- Bê tông bị mất nước do bảo dưỡng không tốt.
- Có thể do dùng phụ gia hóa học quá định mức
- Chậm đóng rắn có thể do nhiệt độ môi trường rất thấp.
- Biện pháp phòng ngừa:
- Lựa chọn vật liệu sạch: cát, đá, nước không bị lẫn tạp chất.
- Chú ý công tác trộn, đầm, đổ, hoàn thiện và bảo dưỡng bê tông đúng cách.
- Cần tiếp tục che phủ và dưỡng ẩm bê tông qua 7 ngày liên tục.
- Khi sử dụng phụ gia hóa học phải tham khảo kỹ hưỡng dẫn của nhà sản xuất phụ gia và trộn bê tông kỹ hơn.
2. Biện pháp xử lý khuyết tật bê tông bị nứt nẻ
Là hiện tượng thường gặp trong các kết cấu bê tông. Các vết nứt được sinh ra và phát triển từ nhiều nguyên nhân, bản chất chủ yếu là do khả năng chịu uốn kém của bê tông gây nên, tức là khi ứng suất gây uốn trong bê tông lớn hơn cường độ chịu uốn tới hạn của chính nó thì vết nứt bắt đầu xuất hiện.
- Phân loại vết nứt:
- Vết nứt hình thành trong quá trình cố kết của bê tông do tốc độ cố kết khác nhau của các thành phần bê tông và do sự ngăn cản cục bộ bởi cốt thép hay các cốt liệu lớn. Các vết nứt dạng này thường xuất hiện khoảng nửa giờ đến 3 giờ sau khi đổ bê tông và thường phát triển dọc theo hệ thống lưới thép trong sàn.
- Vết nứt hình thành trong quá trình co ngót của bê tông khi sự co ngót này bị ngăn cản bởi sự co ngót không đều gây mất ổn định thể tích. Các vết nứt dạng này có thể xuất hiện song song và cách nhau từ 100÷600mm, nhưng thông thường không theo khuôn mẫu nào cố định. Chiều dài vết nứt có thể từ 0,25÷2m, và thông thường khoảng 300÷600mm. Bề rộng vết nứt tại bề mặt có thể đến 3mm, thường chỉ phát triển đến độ sâu của cốt thép. Tuy nhiên, dưới tác động của hiện tượng co ngót sau này của kết cấu bê tông, chúng có thể phát triển xuyên suốt chiều dày sàn.
- Nguyên nhân
- Do sự co ngót không đều của bê tông vì không đảm bảo đúng các biện pháp và qui trình bảo dưỡng bê tông sau khi đổ.
- Do cốt thép đặt sai, đặt thiêu bê tông.
- Không che đậy, bảo vệ bê tông nhất là trong 2 đến 5 giờ đầu, khi đó lực dính tăng, nhưng co ngót của phần vữa phát triển mạnh.
- Ảnh hưởng của lượng nước: nếu lượng nước tương đối nhiều thì sự co ngót dẻo sẽ yếu hơn. Đồng thời dễ xảy ra hiện tượng nứt và độ chặt kém hơn.
- Ảnh hưởng của xi măng đến co ngót: càng tăng lượng xi măng thì độ co ngót của vữa xi măng cát và bê tông càng tăng.
- Do những nguyên nhân khác: Độ ẩm trong môi trường và tốc độ gió.
- Biện pháp xử lý:
Dùng nước xi măng quét và trát lại bằng vữa xi măng, ,sau đó phủ bao tải từ 2 đến 5 giờ sau thì tưới nước bảo dưỡng. Với kết cấu có yêu cầu chống thấm cao, sau khi đã mở rộng đường nứt bằng cách mài hoặc đục tay; dùng bàn chải sắt hoặc khí nén khô để thổi sạch bụi, tiến hành trát bằng vữa polymer theo chỉ dẫn của thiết kế. Trong thời gian rắn kết hoặc polymer hóa, bề mặt vật liệu trát phải được bảo vệ để tránh va chạm bào mòn, tránh mưa và bẩn.
Bạn không nên phủ từng mảng vì nếu để hở, những vùng bê tông trực tiếp tiếp xúc bên ngoài sẽ co ngót không đều so với các vùng có che phủ. Bạn cần thường xuyên tưới nước ẩm lên bao tải để hạn chế sức nóng của ánh nắng mặt trời. Ở các vùng nông thôn có nhiều rơm rạ, có thể tận dụng rơm làm lớp che phủ, giữ ẩm tốt. Tuy nhiên không để rơm dính vào bề mặt bê tông làm bề mặt bê tông không nhẵn nhụi. Hơn nữa, khi trát tường hoàn thiện, những sợi rơm rất dễ làm vữa trát bị ố.
Tham khảo các mẫu nhà 1 tầng kiểu Pháp đẹp nhất
3. Bê tông bị rỗ mặt – biện pháp xử lý khuyết tật bê tông
- Hiện tượng:
- Rỗ mặt: hiện tượng xuất hiện những lỗ nhỏ ở bề mặt bê tông dầm, cột và độ sâu ngắn thường 1 đến 2 mm chưa vào tới cốt thép.
- Rỗ sâu: Giống như rỗ mặt nhưng lỗ rỗ đã sâu tới tận cốt thép bên trong.
- Rỗ thấu suốt: lỗ rổ xuyên qua kết cấu, từ mặt này sang mặt kia.
- Nguyên nhân:
- Do trộn bê tông không đều, quá nhiều đá hoặc cát
- Trong lúc đổ, người ta đã thao tác nâng cao xô vữa cách xa bề mặt đổ làm vữa rơi với gia tốc lớn. Quá trình đó làm các cốt liệu nặng như đá, sỏi rơi xuống trước, vữa xi măng rơi xuống sau, tách biệt nhau không còn đếu như trong cối trộn (hiện tượng phân tầng). Bê tông đổ xong, không được đầm kỹ và đúng phương pháp không phát huy tác dụng cũng góp phần tạo ra hiện tượng rỗ. Cũng có thể do bản bê tông đổ quá dày làm đầm bê tông không chọc vào được nên cốt liệu không được phân đều.
- Một trường hợp khác cũng có thể xảy ra do lớp cốt thép ken quá dày, các hạt cốt liệu lớn như đá, sỏi không lọt xuống dưới được mà chỉ có vữa xi măng lọt xuống, tách rời thành từng tầng riêng.
- Khi tận dụng loại gỗ tạp, cũ xấu, nhiều khe hở, sẽ xuất hiện nhiều lỗ rỗng. Lúc đổ vữa bê tông vào, nước xi măng nhanh chóng chảy xuống qua các khe hở làm trơ phần cốt liệu lại, cũng gây hiện tượng rỗ khi bê tông đông kết. Tùy theo mức độ mất nước nhiều hay ít mà vết rỗ nông hay sâu.
- Biện pháp xử lý:
Khi bê tông bị rỗ, nhất thiết không được dùng vữa trát hoàn thiện ngay vì lớp vữa này dễ hút ẩm, lâu ngày hình thành các giọt nước trong các lỗ rỗng, gây nguy hại cho chất bê tông. Cách khắc phục duy nhất là dùng bàn chải sắt đánh xờm lớp cũ, quét sạch, rửa nước đợi khô. Sau đó dùng vữa xi măng cao trát (pha trộn tỷ lệ xi măng/ cát = ½). Khi trát miết mạnh tay bay hoặc dùng bàn xoa vỗ mạnh cho vữa càng lọt sâu càng tốt. Trường hợp rỗ sâu, cần đục tẩy hết chỗ rỗ cho tới tận lớp bê tông tốt, đánh xờm bằng bàn chải sắt, rửa lại bằng nước. Chờ khô, lại dùng bàn chải đầu nhỏ hoặc que sắt dẹt cắm vào tận cốt thép, cạo sạch rỉ bám. Để cốt thép trơ ra không khí rất nguy hiểm vì thép dễ bị rỉ, co ngót và trương nở, gây nứt nẻ bê tông. Trường hợp này phải dùng bê tông sỏi nhỏ trát lại.
4. Bê tông bị bong chóc trên bề mặt
- Hiện tượng:
Khi bê tông đông cứng, bạn nhìn thấy rất nhiều gợn nhỏ như sóng lượn trên bề mặt, giống như vảy cá. Người ta gọi đây là hiện tượng bê tông bị đóng vảy. Hiện tượng này không chỉ làm xấu bề mặt bên ngoài của bê tông mà còn là một dấu hiệu của bê tông kém phẩm chất.
- Nguyên nhân:
Nguyên nhân là do trong lúc đầm bê tông có một lượng nước thừa dềnh lên trên bề mặt mà không được xử lý tốt. Khi bê tông đông kết, lượng nước này bốc hơi rất chậm. Sau này, bê tông đông cứng để lại những vết gợn trên bề mặt.
- Biện pháp xử lý:
Để phòng ngừa trường hợp này xảy ra, bạn cần làm cho nước bôc hơi nhanh bằng các biện pháp như quạt, thổi hơi nóng sao cho bê tông nhanh chóng rút hết lượng nước trên bề mặt.
5. Biện pháp xử lý khuyết tật bê tông khi bị tách nước
- Hiện tượng:
Đây là một dạng của sự phân tầng gây bụi bề mặt, giảm liên kết giữa bê tông và cốt thép ảnh hưởng cường độ .
- Nguyên nhân
- Do bê tông dư nước
- Sử dụng phụ gia không đúng không đảm bảo chất lượng
- Biện pháp xử lý
- Bạn cần kiểm soát cấp phối cho hợp lý
- Đảm bảo cấp phối đúng tiêu chuẩn đã quy định
- Không được tự ý cho thêm nước khi thấy hỗn hợp khô hoặc để dễ thi công.
6. Xử lý bê tông bị trắng mặt
- Hiện tượng:
Hiện tượng có một lớp bột mịn trên bề mặt bê tông dễ dàng dính tay khi quệt vào.
- Nguyên nhân:
- Hoàn thiện bề mặt quá sớm, trước khi bê tông se mặt. Hoặc hoàn thiện bê tông dưới trời mưa
- Bảo dưỡng không đúng, hay bề mặt bị khô quá nhanh
- Bản thân bê tông quá yếu, chịu mài mòn kém.
- Biện pháp xử lý:
- Đợi bê tông se mặt trước khi làm mặt, hoặc quét nước mặt khi thời tiết lạnh. Bảo dưỡng đúng cách.
- Bảo vệ bê tông tránh bị khô quá nhanh trong thời tiết nóng và gió.
- Với điều kiện khắc nghiệt, nên dùng bê tông có cường độ cao hơn.
- Nếu hiện tượng trắng mặt là không đáng kể, có thể dùng chất cứng hóa bề mặt. Mặt khác, nếu bề mặt bê tông quá yếu, cấp thiết loại bỏ lớp bề mặt rồi áp dụng một lớp phủ khác.
Xem thêm: Nhà 1 tầng 1 tum mới nhất 2018
7. Biện pháp xử lý khuyết tật bê tông khi bị phồng rộp
- Hiện tượng:
Hiện tượng những nốt phồng rộp xuất hiện trên bề mặt bê tông, chứa cả khí và nước.
- Nguyên nhân:
Khi bề mặt bê tông tươi được miết bằng bay trong khi bọt khí và nước tách ra vẫn ở dưới bề mặt. Hiện tượng này thường xảy ra trong những sàn bê tông có độ dày hoặc trong những ngày nóng, gió khi mà dễ bị khô nhanh.
- Cách khắc phục:
Sau khi đổ, cần san gạt và đầm lại, giữ bê tông lấu nhất có thể trước khi làm nhẫn bằng bay. Bảo dưỡng bê tông để ngăn chăn bốc hơi nước trong bê tông. Nếu phồng rộp đang hình thành thì tạm thời trì hoãn việc làm nhẫn bề mặt và áp dụng các b
iện pháp ngăn chặn bốc hơi nước. Ngoài ra bạn có thể loại bỏ lớp bê tông yếu, mài phẳng lại.
8. Bê tông bị biến màu – biện pháp xử lý khuyết tật bê tông
- Hiện tượng:
Hiện tượng có những mảng màu đậm khác nhau trên bề mặt bê tông
- Nguyên nhân:
- Điều kiện bảo dưỡng bê tông không đồng đều trên bề mặt bê tông.
- Sử dụng các loại xi măng khác nhau để làm khô bề mặt khi hoàn thiện.
- Cát, đá bẩn: sau khi đầm bê tông các chất bẩn nổi lên và dồn lại tạo các vệt màu.
- Phương pháp xử lý:
- Sử dụng một loại bê tông khi đổ, đầm và hoàn thiện, và giữ cho bê tông đều ẩm. Không sử dụng xi măng làm khô bề mặt. Sử dụng vật liệu sạch.
- Nhiều trường hợp biến màu xuất phát từ tay nghề công nhân. Việc khắc phục biến màu do các vết bẩn là rất khó. Có thể xử lý bằng cách rửa với axit yếu hay phủ một lớp vữa lên bề mặt.
Tham khảo: Biệt thự 1 tầng mái ngói đẹp
9. Biện pháp xử lý bê tông bị nở hoa
- Hiện tượng:
Hiện tượng lớp thủy tinh trắng xuất hiện trên bề mặt bê tông sau một thời gian ngắn khi hoàn thiện
- Nguyên nhân:
Trong một vài trường hợp, muối khoáng được hòa tan trong nước. Nếu nước với muối hòa tan tích tụ trên bề mặt bê tông, khi nước bay hơi sẽ đọng lại muối trên bề mặt bê tông. Tách nước nhiều cũng có thể là nguyên nhân gây nở hoa.
- Biện pháp xử lý và sửa chữa:
Sử dụng nước sạch, không có muối hòa tan, và cát được rửa. Tránh để tách nước nhiều. Sử dụng bàn chải và nước sạch để rửa. Không dùng bàn chải sắt. Có thể dùng axit clohydric loãng để rửa.
10. Khắc phục hiện tượng bê tông bị thấm
– Nguyên nhân:
- Do sử dụng cát mịn, đá có tạp chất cao, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
- Do sử dụng cấp phối mác không thấp, không hợp lý.
- Do khi trộn sử dụng quá nhiều nước, trộn không đều.
- Lớp bê tông bảo vệ không hợp lý, không được bảo dưỡng tốt.
- Không đúng yêu cầu kỹ thuật khi thi công như đàm rung nhiều bê tông bị phân tầng.
– Cách khắc phục
- Lựa chọn đúng loại cát, đá đúng theo yêu cầu kỹ thuật.
- Tính toán cấp phối mác đúng, hợp lý (không được nhỏ hơn 25 MPa).
- Trộn lượng nước đều và không thêm nước trộn nhiều lần (có thể sử dụng phụ gia loại siêu dẻo để giảm lượng nước trộn N/X < 0,45).
- Tạo lớp bảo vệ bê tông thích hợp (>2.5cm), đồng thời bảo dưỡng bê tông liên tục ít nhất là 1 tuần.
- Thi công đúng yêu cầu kỹ thuật (cẩn thận công tác đầm rung).
Vì sao phải khắc phục hư hỏng bê tông?
Chúng ta đều biết rằng sự vững chắc của bê tông chính là sự vững chắc của công trình xây dựng, của ngôi nhà, của tòa chung cư…. Và những công trình đó là để phục vụ nhu cầu cư trú của người dân. Nếu công trình hư hỏng thì chúng ta sẽ phải mất nhiều chi phí để sửa chữa, chúng ta phải mất thời gian để khắc phục, và hơn thế nữa là phải xây dựng lại từ đầu. Nếu không thì tính mạng của chúng ta sẽ bị đe dọa.