Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khuya nước ven sông
….
Quê hương là gì hở mẹ?
‘’Quê hương là gì hở mẹ ?’’- cậu em tôi cất tiếng hỏi và đọc to bài thơ mới được học ở trường hôm qua. Bất giác những khung cảnh làng quê thanh bình, yên tĩnh lại hiện lên trong đầu, đưa tôi lạc dòng về chuyến đi thực tế hồi đầu tuần trước ở Hà Nam của anh em kiến trúc sư ANG.
Đối với cái nghề kiến trúc sư, những chuyến đi thực tế như vậy quả thực là rất quý, rất ý nghĩa. Mỗi chuyến đi đều để lại cho tôi một vài kỉ niệm, một vài nỗi nhớ, một chút bồi hồi và những điều còn trăn trở. Trong chuyến đi lần ấy, điều khiến tôi nhớ mãi là hình ảnh ngôi nhà « cụ Bá Kiến » và kiến trúc nhà gỗ 3 gian truyền thống đã in dấu một thời văn hóa của cha ông.
Tôi cũng có tìm hiểu về kiến trúc nhà gỗ 3 gian truyền thống nhưng thực sự phải đến tận dịp đó mới có cơ hội được mắt thấy tai nghe. Hơn cả những gì anh em được trông thấy, được giới thiệu, chúng tôi hiểu rằng, ẩn dưới tác phẩm kiến trúc ấy là câu chuyện của cả một nền văn hóa, câu chuyện về lịch sử, câu chuyện về cuộc sống bình dị của cha ông, câu chuyện của những người thợ tài hoa hay câu chuyện về trí tuệ, kinh nghiệm dựng nhà thời xa xưa.
Chuyện hỉ, nộ, ái, ố về chất liệu đã làm nên vẻ đẹp văn hóa trong kiến trúc nhà gỗ 3 gian truyền thống
Trong tâm trí của nhiều người từng sinh ra và lớn lên ở các làng quê Việt Nam thanh bình, yên ả, hình ảnh một mái nhà gỗ, một cái sân gạch, một mảnh vườn nhỏ, một bờ giếng thơ, một chiếc chum sành,… hẳn không phải là điều lạ lẫm. Đôi lúc, hình ảnh ấy lại hiện ra như dấu tích minh chứng cho một thời văn hóa tươi đẹp, mộc mạc nơi bến nước, đình làng.
Kiến trúc cổ truyền Việt Nam đa phần sử dụng kết cấu khung gỗ và chủ yếu là gỗ lim, gỗ mít, gỗ xoan. Chẳng vậy mà những ngôi nhà gỗ đã trở thành biểu tượng cho tinh hoa kiến trúc Việt. Kiến trúc nhà gỗ 3 gian truyền thống từng là thước đo chuẩn mực cho cái đẹp trong lối sống, cách sinh hoạt, trong kinh nghiệm dựng nhà, dựng cửa của người xưa. Những ngôi đình, mái chùa, đền thờ, cổng làng,…đều được xây cất chủ yếu trên chất liệu gỗ. Nói một cách khác, cả thần phật, thánh nhân và con người đều ở dưới những mái nhà gỗ, được che chở bởi vẻ đẹp, sự chắc chắn, yên bình của gỗ.
Cả thần phật, thánh nhân và con người đều được chở che dưới sự yên bình của gỗ
Đã từng có thời, gỗ khẳng định vị trí độc tôn của mình trong kiến trúc cổ. Rắn rỏi như gỗ, mộc mạc như gỗ, kiên cường như gỗ, dẻo dai như gỗ, chân thành như gỗ. Ở đất nước miền nhiệt đới này, thực vật phát triển phong phú, không khó để tìm những thân cây gỗ với nhiều kích thước và những đặc tính khác nhau, có thể dùng để dựng lên ngôi nhà vững chãi.
Kiến trúc nhà gỗ 3 gian truyền thống đã ghi sâu vào tâm thức của người con đất Việt, xuất thân từ các ngôi làng xưa cũ. Hẳn sẽ chẳng ai quên được cái mùi thơm ngai ngái mang hương vị của quê hương, đất trời trong từng thớ gỗ làm nhà. Mỗi loại gỗ đều có một mùi thơm đặc trưng và thật khó diễn tả được hương thơm nhẹ nhàng ấy. Chỉ biết rằng, hương thơm ấy cứ thể tỏa ra, quyện vào không gian xung quanh, vào tâm hồn mỗi người.
Thời xưa, để có gỗ làm nhà, cha ông ta thường lên rừng, lựa chọn những thân cây gỗ lâu năm chắc chắn, to lớn làm cột, làm kèo. Một số gia đình có đồi, có vườn riêng, thì trồng thêm cây gỗ xoan, gỗ mít. Cây lớn để dựng nhà, cây nhỏ hơn, non hơn có thể chế tác thành đồ đạc dùng trong nhà như tủ, bàn ghế, sập, bàn thờ,…
Gỗ sau khi được đưa về phải qua nhiều công đoạn, từ ngâm, cắt, xẻ, khắc, chạm, trổ mới có thể làm được nhà. Nếu có dịp ngắm nhìn tổng thể kiến trúc nhà gỗ 3 gian truyền thống bạn sẽ phải trầm trồ về kết cấu khung gỗ vững chãi, có tuổi thọ thậm chí lên tới cả trăm năm, về những bức trạm khắc tinh xảo, công phu thể hiện sự khéo léo, tài hoa của người thợ.
Thời xưa, trong mỗi gia đình, ít nhiều đều sử dụng chất liệu gỗ. Nhà nào khá giả trong làng thì có thể dựng cả ngôi nhà 3 gian, 5 gian,… bằng gỗ (nhà kẻ truyền), sắm sửa nội thất gỗ từ bàn thờ, sập gụ, tủ chè, tràng kỉ, tranh treo,… Nhà nào thuần nông, không có điều kiện bằng cũng cố gắng làm cột nhà bằng gỗ chắc chắn, trình tường đất, vách tre, nứa hay bàn thờ cúng gia tiên từ gỗ, cánh cửa gỗ,…
Xem thêm: Kiến trúc nhà 3 gian
Gỗ trở thành vị trí độc tôn trong các ngôi nhà cổ- kiến trúc nhà gỗ 3 gian truyền thống
Câu chuyện trí tuệ dân gian trong kiến trúc nhà gỗ 3 gian truyền thống của cụ ‘’Bá Kiến’’
Men theo con đường nhỏ bên bờ đê sông Châu, nằm ở cuối xóm 11, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam (xưa kia gọi là làng Đại Hoàng, xã Nhân Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam), ngôi nhà của cụ Bá Bính- nguyên mẫu nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm Chí Phèo của cố nhà văn Nam Cao, trải qua hơn 100 năm nay, vẫn chưa hề có dấu hiệu hư hại.
Tọa lạc trên mảnh đất rộng hơn 900m2, ngoảnh theo hướng Đông Nam, ngôi nhà mang trong mình kiến trúc nhà gỗ 3 gian truyền thống. Trải qua nhiều thập kỷ, chứng kiến nhiều câu chuyện lịch sử, nhiều biến cố thăng trầm và cả những đổi thay của xã hội, ngôi nhà gỗ cổ xưa chỉ bị bạc màu mà chưa hề có dấu hiệu xuống cấp, vẫn vững chãi cùng thời gian, thời tiết khắc nghiệt.
Nhiều nét kiến trúc nhà gỗ 3 gian truyền thống vẫn còn được lưu giữ trong ngôi nhà của cụ "Bá Kiến làng Vũ Đại"
Theo dòng thời gian, ngôi nhà Bá Bính vừa trở thành nhân chứng lịch sử, vừa là nét đẹp văn hóa, vừa là nguồn tư liệu quý giá về kiến trúc nhà gỗ truyền thống. Nhà có 3 gian theo kiểu truyền thống bao gồm 4 hàng cột với tổng cộng 16 cây cột trụ lớn, ôm vòng 2 tay mới hết. Chân cột không cấy trực tiếp xuống sàn mà được kê trên đá tảng, là một loại đá xanh được đẽo gọt công phu.
Toàn bộ cột, kèo của ngôi nhà được chạm khắc hình rồng, phượng tinh xảo. Trên nóc khắc hình dòng chữ nho nói về thời gian làm nhà. Cửa nhà là loại ghép bức bàn. Ngoài hiên dựng một hàng dãi, đan từ tre nứa để che mưa, che nắng.
Bức tường trải qua bao mưa gió vẫn rắn chắc, kiên cố được gắn kết bởi một loại hồ đặc biệt tạo nên từ các chất liệu dân gian là mật mía, muối, vôi, vỏ cây và một số chất phụ gia khác. Gạch dùng xây tường và lát nền được nung bằng rơm nên dù qua thời gian, tường vẫn không hề bong tróc.
Mái nhà lợp duy nhất ngói ta theo kiểu bít đốc đến nay vẫn còn nguyên vẹn, chưa hề thay một viên nào. Theo bà Trần Thị Hựu, cháu dâu của cụ Bá Bính, kể lại trước khi đem ngói lợp thì thợ dùng nước mù hóng đặc ngâm nhiều giờ rồi đem phơi khô. Tiếp theo, người ta sẽ lấy lần lượt 2 viên ngói gõ vào nhau, viên nào rạn nứt thì sẽ bị loại bỏ. Để tuyển chọn được ngói tốt lợp nhà, người thợ đã phải đốt đi hàng vạn viên vỡ.
Đi qua những thăng trầm của lịch sử, từ xã hội phong kiến đến thời thực dân phong kiến và cho đến tận bây giờ, từng trải qua 7 đời chủ sở hữu, 2 lần suýt bị dỡ bỏ (1 lần suýt bị xẻ gỗ, 1 lần bị giặc Pháp đốt) ngôi nhà 3 gian của cụ Bá Bính vẫn giữ được nguyên hình kiến trúc nhà gỗ truyền thống như là minh chứng chân thật nhất cho kiến trúc cổ xưa và những bí ẩn về sự bền vững của nó. Ẩn dưới từng vách gỗ, từng viên ngói, là câu chuyện của nhiều thế hệ lịch sử, câu chuyện của những người nghệ nhân tài hoa, của người thợ với đôi bàn tay khéo léo, là câu chuyện của trí tuệ dân gian về kinh nghiệm xây nhà, dựng cửa, sử dụng chất liệu dân gian.
Trải qua nhiều thăng trầm, kiến trúc nhà gỗ 3 gian truyền thống trong ngôi nhà cụ Bá Kiến vẫn giữ nguyên được cái hồn và nét văn hóa của một thời lịch sử
Kiến trúc nhà gỗ 3 gian truyền thống và câu chuyện ứng xử với tự nhiên
Nhà ở truyền thống là đơn vị chính trong tổng thể cấu trúc làng quê thời xưa. Ngôi làng với hình ảnh bến nước, mái đò, gốc đa, sân đình,… mang đậm chất tĩnh, ngôi nhà, vì thế mà cũng trở nên nhỏ bé, yên bình hơn.
Kiến trúc nhà gỗ truyền thống thường có dạng nhà 3 gian, 5 gian, 7 gian,…(chỉ có số gian lẻ, không làm số gian chẵn). Hai cấu trúc phổ biến nhất của nhà gỗ cổ truyền thống là cấu trúc hình thước thợ (gồm một gian chính, một gian phụ) và cấu trúc hình chữ môn (nhà chính ở giữa, 2 nhà phụ hai bên). Ngày trước, mỗi gia đình khi khai hoang, dựng nhà, dựng cửa sẽ tự thiết lập cho mình một khuôn viên đủ đầy theo mô hình tự cung tự cấp bao gồm nhà ở chính, nhà phụ, nhà bếp, kho để dụng cụ lao động, sân nhà, chuồng trại chăn nuôi, vườn rau, ao cá, giếng nước, cổng ngõ, hàng rào. Mỗi một khuôn viên phủ một màu xanh tự nhiên, màu nâu gỗ mộc mạc, bình dị như chính tâm hồn của cha ông ta.
Có lẽ, kinh nghiệm thiết kế cảnh quan, không gian sân vườn của cha ông ta đến nay vẫn thật đáng để con cháu tìm tòi, học hỏi. Khuôn viên nhà ở trong làng thể hiện lối ứng xử của người xưa với điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội và cuộc sống sản xuất, sinh hoạt đặc trưng của nền văn minh lúa nước. Người nông dân đã tạo nên một dòng năng lượng khép kín trong chính không gian sống của gia đình mình. Họ biết cách khai thác môi trường sinh thái để ổn định cuộc sống gia đình, thiết lập khuôn viên riêng tư, tạo điều kiện cân bằng tự nhiên. « Đất, nước, không khí, con người » tất cả các yếu tố kết hợp với nhau, cùng chung sống một cuộc sống hòa thuận, an lành.
Xem thêm: Biệt thự nhà vườn 150m2
Kiến trúc nhà gỗ 3 gian truyền thống và câu chuyện ứng xử với tự nhiên
Kiến trúc nhà gỗ 3 gian truyền thống, xuất phát từ nhu cầu trú ngụ, sinh hoạt của người dân và giải pháp thích ứng với điều kiện thời tiết lúc bấy giờ. Chất liệu gỗ có sẵn, bền chắc, mát mẻ vào mùa hè, ấm cúng vào mùa đông. Cửa vách thông gió tự nhiên. Tường đầu hồi xây bít đốc, kín khít với mái, trùm kín nhà tránh mưa gió.
Mái dốc lớn, đẩy nhanh quá trình thoát nước mùa mưa, hạn chế ngấm dột. Tường bằng gỗ hoặc khung gỗ trát đứng đắp đất bền chặt, mái ngói đất nung rắn chắc. Kết cấu nâng sàn, tạo hiên và mái che chống hắt, chống ngập.
Cửa nhà có hai lớp bảo vệ, đón sáng. Nhà thường đặt ở hướng nam (đón gió nồm thổi mát vào mùa hè). 2 chái phụ hướng đông tây chống hơi nóng mặt trời vào ban sáng và chiều. Phía trước nhà thường trồng cau để đón gió nam mát, phía sau nhà là hàng chuối ngăn gió bấc lạnh mùa đông.
Cuộc sống hài hòa giữa tự nhiên và con người trong kiến trúc nhà gỗ 3 gian truyền thống
Kiến trúc nhà gỗ 3 gian truyền thống và câu chuyện sinh hoạt của gia đình Việt xưa
Người Việt xưa sống quây quần thành các làng bản, cùng nhau sản xuất, cùng nhau sinh hoạt văn hóa dưới mái đình, giúp đỡ nhau làm ăn, phát triển, khai khẩn đất hoang. Chẳng vậy mà dần dà, ngôi làng làng càng mở rộng hơn với nhiều nếp nhà mới được xây dựng. Trong bối cảnh sinh hoạt làng xóm như vậy, ngôi nhà vừa là đơn vị chung, vừa là đơn vị riêng, rất độc lập mà lại hòa đồng.
Văn hóa coi trọng thứ bậc trong gia đình, xã hội đã ăn sâu vào tâm thức mỗi người Việt và được thể hiện ngay cả trong kiến trúc nhà truyền thống. Các ngôi nhà 3 gian, 5 gian, 7 gian,… cổ truyền có sự phân chia gian chính, gian phụ, nhà trên, nhà dưới khá rõ ràng.
Nhà chính có bố cục gian lẻ và 2 chái 2 bên. Gian chính ở vị trí trung tâm, được coi là trái tim của ngôi nhà, là nơi để thờ cúng tổ tiên và tiếp khách. Chính vì vậy mà gian giữa được trang trí, sắp xếp công phu hơn so với các gian bên cạnh. Để tôn lên vẻ đẹp và sự trang trọng, đầu cột, vỉ kèo đều được trang trí hoa văn, họa tiết, hình trạm khắc khéo léo, tinh xảo.
Ngoài để thờ cúng, gian giữa còn là nơi sinh hoạt chung của cả gia đình. Nếu như hoạt động thờ cúng thiên về yếu tố tĩnh thì quang cảnh sinh hoạt gia đình lại là các yếu tố động. Sự hòa hợp của các quan niệm khác nhau trong một không gian đã chứng tỏ cấu trúc linh hoạt và rộng mở của ngôi nhà.
Các gian bên cạnh là nơi nghỉ ngơi của các bậc cố, của bề trên và nam giới trong nhà, có kê sập, giường. Hai chái có dựng vách ngăn hoặc nhà phụ phía dưới là nơi để đàn bà, phụ nữ, con cháu nghủ nghỉ.
Kiến trúc nhà gỗ 3 gian truyền thống lưu giữ nhiều giá trị tinh thần, tình cảm gia đình ruột thịt. Đây là nơi sinh sống không chỉ của một hay hai thế hệ mà được truyền từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này, qua thế hệ khác. Cứ thế lớp trầm tích văn hóa sẽ được khắc trạm lên từng vách gỗ, mái nhà. Ngôi nhà trở thành cơ nghiệp của nhiều đời.
Kiến trúc nhà gỗ 3 gian truyền thống, nếp nhà lưu giữ nhiều giá trị gia đình Việt
Câu chuyện về sự tinh tế trong nét đẹp thẩm mỹ của kiến trúc nhà gỗ 3 gian truyền thống
Trong quá khức, kiến trúc nhà gỗ 3 gian truyền thống có thể tồn tại bền vững đến hàng trăm năm, đó là một thực tế. Bởi sự vững vàng của nó không chỉ dừng lại ở kết cấu gỗ khỏe khoắn, bởi các giải pháp thích nghi với điều kiện khí hậu mà hơn hết còn là giá trị về tinh thần, về tính thẩm mỹ.
So với nhà ở hiện nay, kiến trúc nhà gỗ 3 gian truyền thống nói riêng và kiến trúc nhà ở cổ xưa nói chung đa phần có kích thước nhỏ. Các trường hợp nhà gỗ 7 gian, 9 gian sở hữu khuôn viên rộng rãi nhưng bên trong cũng được chia nhỏ thành các gian sinh hoạt khác nhau. Tuy nhiên một ngôi làng, thường chỉ có 1,2 ngôi nhà được xây rộng, là của địa chủ hay những vị quan lại, có chức sắc trong tổng, trong phủ. Còn lại đa phần các ngôi nhà còn lại đều là nhà 3 gian được làm từ các chất liệu có sẵn trong nông nghiệp như tre, lá cọ, gỗ trong vườn (hoặc ở rừng), lạt mây, lạt tre, vách bằng đất, nền bằng đất…
Xem thêm: Thiết kế nhà thờ họ theo phong thủy kết hợp nhà ở 3 gian
Mô hình kiến trúc nhà gỗ 3 gian truyền thống theo cấu trúc nhà hình chữ môn
Dựng nhà là chuyện trọng đại. Thời thế có thể thay đổi, bậc cha ông nào cũng mong muốn dựng được ngôi nhà chắc chắn làm cơ nghiệp về sau cho con cháu. Cả đời làm lụng, tích cóp, đến khi làm nhà khá giả thì được ngôi nhà rộng rãi hơn chút, còn không thì chỉ cần vừa đủ cho 2,3 thế hệ cùng chung sống. Thêm nữa, xây nhà mình ở nhưng cũng cần chú ý tới sự tương quan kiến trúc với khuôn viên vườn, với những ngôi nhà xung quanh, với làng mạc, với đình làng, cổng làng, đền miếu. Tất cả chỉ cần nhỏ xinh, hài hòa, đừng phá vỡ bố cục, bức tranh làng quê mà vẫn vừa vặn với nhu cầu sinh hoạt. Cha ông xưa thường lấy cái duyên và vẻ đẹp kín đáo để khoe thầm với người đời nên gian nhà cũng thường khuất lấp trong tổng thể kiến trúc khu vườn. Vì nhỏ bé nên mọi thứ trở nên duyên dáng, xinh xắn, đấy là nét thẩm mỹ mang phong cách kiến trúc nhà gỗ 3 gian truyền thống.
Khung cảnh ngôi làng bình yên
Phục dựng kiến trúc nhà gỗ 3 gian truyền thống- câu chuyện của sự hồi sinh
Bóng dáng những ngôi nhà gỗ truyền thống từ thời xa xưa cũng dần trở nên vắng vẻ bởi sự phát triển của những vật liệu mới và nhu cầu sinh hoạt hiện đại. Nhưng trong khoảng thời gian gần đây, kiến trúc nhà gỗ 3 gian truyền thống đang có dấu hiệu được phục dựng, nhưng tất nhiên mức kinh phí bỏ ra cũng không hề nhỏ bởi chất liệu gỗ đang trở nên khan hiếm và đắt đỏ, kèm với những yêu cầu cao về mặt thi công.
" Bây giờ xây nhà 3 gian, 5 gian không khó, kiến trúc đương nhiên cũng sẽ có sự thay đổi sao cho phù hợp hơn, chất liệu sử dụng cũng vừa túi tiền của nhiều người. Nhưng điều thôi thúc tôi khi quyết định phục dựng lại ngôi nhà mang kiến trúc nhà gỗ 3 gian truyền thống của cha ông để lại chính là ở giá trị tinh thần. Ngôi nhà ấy có tâm hồn, trải qua bao năm nay, bao thế hệ sinh sống, và đến tận bây giờ, cả tôi, vợ tôi, các con, các cháu tôi cũng nên đồng điệu vào tâm hồn ấy. Tôi muốn, hơn cả nơi để trú mưa, trú nắng, ngôi nhà còn là nơi nuôi dưỡng tinh thần, văn hóa, nơi để các con tôi sau này có thể nhớ và tìm về với cội nguồn"- Đây là dòng tâm sự của một chủ đầu tư quyết định phục dựng lại ngôi nhà cổ trên nền công trình hiện có của cha ông.
Kiến trúc nhà gỗ 3 gian truyền thống- không gian văn hóa linh thiêng
Nhiều gia chủ là tín đồ của kiến trúc nhà gỗ 3 gian truyền thống cũng không ngại ngần bỏ ra một khoản tiền và công sức để được sở hữu một ngôi nhà mới: Ngôi nhà này tôi xây dựng theo những nét kiến trúc truyền thống của cha ông. Trước là để thờ cúng gia tiên, sau là để làm nơi sinh hoạt văn hóa, nơi quây quần sum họp, cùng hướng về cội nguồn cho thế hệ cháu con. Sinh ra và lớn lên ở vùng làng quê, có điều kiện ra ngoài làm ăn, đên nay dành dụm được chút tiền cũng mong được quay trở lại chính nơi mình sinh ra để sống nốt cuộc đời an nhàn, yên bình của mình. Kiến trúc nhà gỗ truyền thống, thứ nhất là phù hợp với không gian, phong cảnh làng quê Việt Nam. Thứ hai là tạo được cảm giác gần gũi, mà lại giúp con cháu hiểu được nét văn hóa của dân tộc. Qua từng đường cưa, nét đục, tôi mong những người thợ, người nghệ nhân có thể thổi được cái hồn, cái tinh hoa từ bao đời nay của trí tuệ dân gian.
Xem thêm: Mẫu nhà 3 gian hiện đại
Kiến trúc nhà gỗ truyền thống được người đời sau phục dựng
Quang cảnh phong lư, tự tại bên kiến trúc nhà gỗ 3 gian xưa cũ, đời nay, nhiều người trông ngóng tìm về. Bởi hơn lúc nào hết, chính lúc xã hội trở nên bức bối, ngột ngạt, người ta lại muốn tìm về nơi chốn bình yên, thoáng đãng như tâm hồn mộc mạc của cha ông : sáng sáng ta thưởng thức chén trà xanh còn ấm nóng vừa được vợ chuẩn bị đương lúc thức dậy ra đồng, trên chiếc phản, chiếc sập gụ hay bộ ghế tràng kỉ, lắng nghe tiếng chim hót trong lành. Mặt trời lên quá đỉnh đầu ta mắc võng nằm ngâm thơ giữa 2 hàng dừa, cạnh ao cá, gió trưa thổi hiu hiu. Bất giác bị đánh thức bởi tiếng quẫy đuôi của cá hay quả sung rơi tõm xuống mặt hồ vắng lặng. Mặt trời xuống núi cũng là lúc cả nhà quây quần bên chiếc chõng che kê ngoài sân, cùng ăn tối, kể chuyện dưới bầu trời sáng trăng và tràn ngập những ánh sao. Quả là một thú vui tao nhã nơi làng quê thanh bình nhưng lại trở thành điều xa xỉ với con người thời hiện đại !
Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thần dầu ai vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người tới chốn lao xao
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhấp
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao