Tôi yêu quê tôi, xanh xanh lũy tre
Quê hương tuổi thơ đi qua đời tôi
Đường làng quanh co, sông thu êm đềm
Thả diều đá bóng, nắng cháy giữa đồng
…
Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi
Cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ
Cho tôi tìm lại, cho tôi một ngày
…
Đường làng quanh co ôm lấy ký ức tuổi thơ êm đềm của bao người con xa quê
Mở volume to hết cỡ, lời bài hát Quê hương tuổi thơ tôi vang lên trên chuyến xe trở về miền quê Bắc bộ Việt Nam. Chẳng ai bảo ai câu nào, không khí trên xe bỗng lắng lại bởi sự tĩnh lặng đột ngột. Chỉ cách đây vài phút anh em còn pha trò cười đùa cho đến khi điệu nhạc quen thuộc vang lên…
Phải chăng, ai cũng đang chìm đắm trong thế giới của riêng mình, ánh mắt lơ đễnh, nghĩ về kỉ niệm những ngày còn thơ. Anh em kiến trúc sư, mỗi người đến từ một nơi, đều đi học, đi làm xa nhà, trong cái bầu không khí như vậy, chẳng ai ngăn được họ nhớ về miền ký ức xa xôi.
Họ nhìn nhau và mỉm cười, an nhiên và thấu hiểu.
Tuổi thơ anh, tuổi thơ tôi là những trưa hè nắng cháy đầy ắp tiếng cười, những buổi chiều chăn trâu, thả diều, đá bóng trên triền đê xanh ngắt, là những ngày mưa dưới mái hiên nhà cô chị, cô em ngồi chơi chắt, chơi truyền,…
Tuổi thơ anh, tuổi thơ tôi là hình ảnh lũy tre xanh mướt, là cánh đồng lúa chín vàng thơm mùi lúa nếp dưới cái nắng vàng giòn giã, là những giọt mưa nhảy trên tàu lá chuối, là dòng sông hiền hòa, e ấp, là nếp nhà mái ngói rêu phong, đứng từ xa cũng có thể nhận ra: “kia là nhà tao, còn kia, sau lùm cây ấy là nhà mày, đúng chưa”
Chuyến đi thực tế lần này của anh em kiến trúc sư ANG là ở Hà Nam- một miền quê Bắc Bộ tiêu biểu để tìm kiếm thêm tư liệu về kiến trúc nhà 3 gian cổ cho các sáng tác sau này của mình. Trong thời gian gần đây, chúng tôi nhận được khá nhiều yêu cầu tư vấn thiết kế nhà vườn 3 gian truyền thống của các gia đình. Nhận định đây là xu hướng phát triển trong thời gian tới, anh em kiến trúc sư đã cùng nhau lên kế hoạch cho chuyến thực địa, vừa là để thấu hiểu hơn về kiến trúc nhà 3 gian ở nông thôn bắc bộ, vừa để tìm lại cảm xúc thiết kế qua những câu chuyện giá trị, vừa là chuyến đi thư giãn sau một tuần làm việc căng thẳng.
Xem thêm: Thiet ke biet thu dep
Dấu ấn thời gian trong kiến trúc nhà 3 gian cổ
Theo lời giới thiệu của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến những ngôi nhà mang kiến trúc 3 gian cổ còn được giữ lại cho đến tận bây giờ. Vẻ ngoài cũ kĩ, rêu phong nhưng ẩn dưới lớp vỏ ấy là cả một nền văn hóa đã từng là chuẩn mực của nếp sống cổ xưa. Hơn cả nơi để che mưa, trú nắng, kiến trúc sư cảm nhận được cái linh hồn cất giữ bao năm nay. Lật giở từng lớp kỉ niệm của từng thế hệ vẫn còn vẹn nguyên dưới mái nhà cổ kính ấy, quên đi thế giới thực tại, chúng tôi như được xuôi dòng thời gian, chạm vào những điều tinh túy nhất của nền văn hóa mang tên kiến trúc nhà 3 gian cổ.
Ngôi nhà mang dáng dấp kiến trúc nhà 3 gian cổ truyền thống
Kiến trúc nhà 3 gian là gì?
Hình ảnh ngôi nhà 3 gian có thể không phải là hình ảnh quá đỗi xa lạ với nhiều người, đặc biệt là với những người sinh ra và lớn lên khi văn hóa dựng nhà dựng cửa đang có sự chuyển giao từ kiến trúc nhà 3 gian truyền thống sang các kiểu kiến trúc hiện đại, tân cổ điển du nhập từ phương Tây.
Tuy nhiên để hiểu tường tận về kiến trúc nhà 3 gian thì không phải ai cũng hiểu. Ngày nay những ngôi nhà 3 gian bắc bộ cũng không còn được lưu giữ hoặc xây mới nhiều. Nó chỉ xuất hiện trong các ngôi làng ở nông thôn, ở một vài gia đình có nhà 3 gian bằng gỗ hoặc tích hợp làm nhà thờ, trong khu làng cổ được nhà nước phục dựng, bảo tồn hoặc được những gia chủ ‘’thích chơi đồ cổ’’ lựa chọn xây mới cho mảnh đất rộng lớn của mình.
Vậy đi từ khái niệm đơn giản nhất, kiến trúc nhà 3 gian là gì? Hiểu một cách đơn giản, nhà 3 gian có mặt bằng được tổ chức theo phương ngang, chia thành 3 gian, gian lớn chính giữa là nơi tiếp khách và kê bàn thờ gia tiên, 2 gian bên nhỏ hơn là nơi để nghỉ ngơi cho các thành viên.
Kiến trúc nhà 3 gian có măt tiền rộng, tổ chức mặt bằng theo phương ngang với 3 gian nhà chính
Quy cách kiến trúc nhà 3 gian cổ truyền thống
Về hình thức, bố trí công năng
Kiến trúc nhà 3 gian truyền thống đặc trưng bởi tiền đường rộng rãi, bố cục theo đó mà sắp xếp theo phương ngang hình chữ nhật tạo thành các gian nhà. Gian chính giữa, cửa mở lớn, là nơi để tiếp khách và thờ cúng thiêng liêng, thể hiện tấm lòng thành kính của thế hệ cháu con với ông bà tổ tiên.
Với công năng sử dụng như vậy, ở gian chính giữa, thông thường người ta sẽ kê bàn thờ lớn và các bức đối, bức hoành phi chữ Hán, chữ Nôm. Người Việt Nam coi trọng việc thờ cúng tổ tiên và đời sống tâm linh bởi vậy bàn thờ ở gian chính phải được làm từ gỗ tốt, hoa văn điêu khắc, trạm trổ công phu, cầu kỳ tái hiện lại đời sống sinh hoạt thường ngày. Phía trước bày bộ tràng kỷ hoặc sập gụ, tủ chè làm nơi bày biện thêm đồ trang trí truyền thống, nơi tiếp khách và sinh hoạt chung, dùng bữa cho các thành viên trong gia đình.
Hai gian bên thiết kế cửa dẫn vào nhỏ hơn, là nơi nghỉ ngơi cho gia đình hoặc khi có khách tới chơi ngủ lại. Với đặc trưng mộc mạc của kiến trúc nhà 3 gian, phòng ốc cũng được sắp xếp vô cùng đơn giản với giường, sập hoặc phản gỗ, tùy vào điều kiện của từng gia đình. Giữa các gian có khi liền nhau hoặc được phân cách bởi rèm vải hay bức mành.
Kiến trúc nhà 3 gian đặc trưng bởi mặt tiền lớn, chiều ngang rộng bởi vậy các bố trí mặt bằng công năng cũng được triển khai theo phương ngang
Về cấu kiện kiến trúc
Hiên nhà
Trong kiến trúc nhà 3 gian cổ, hiên nhà được nâng lên cao hơn so với sân 1 bậc thềm. Hàng hiên thiết kế có mái che chống hắt và cột đỡ chắc chắn. Phía trước còn treo các bức bình phong đan bằng tre, nứa, hạn chế điều kiện bất lợi của thời tiết mưa, gió, nắng, tạo không gian nghỉ ngơi riêng tư mà vẫn có thể kiểm soát được tầm nhìn.
Mái nhà
Mái nhà dạng dốc, kiểu 2 mái xuôi chiều cân đối, bao phủ cả hàng hiên và phần diện tích xung quanh. Độ lớn mái có thể bằng cả 2/3 chiều cao mặt đứng ngôi nhà. Dốc mái thẳng, lợp ngói vảy, không bị bẻ cong. Đầu hồi bít đốc, có tạo ô thoáng khí.
Kết cấu mái dạng vì kèo gỗ lợp ngói (vật liệu thường dùng trong các ngôi nhà 3 gian cổ), tôn lên chiều cao và sự thoáng đãng cho không gian. Hệ vì kèo có tác dụng chịu lực chống đỡ, bao che và kết nối toàn bộ các phần lại với nhau. Trong kiến trúc nhà 3 gian truyền thống, kèo là hệ thống gỗ kết nối các đầu cột của vì bởi vậy kèo có dạng hình tam giác cân, liên kết theo nhiều kiểu: kiểu giá chiêng, kiểu giả thủ, kiểu chồng rường, kiểu cột trốn, kiểu ván mê.
Xem thêm: BST nhà ống mái chéo
Mái ngói mũi hài rêu phong cổ kính trong kiến trúc nhà 3 gian
Cấu kiện của hệ mái bao gồm:
- Hoành là các dầm chính đỡ mái đặt nằm ngang theo chiều dài nhà, vuông góc với khung nhà.
- Dui hay rui là các dầm phụ trung gian, đặt dọc theo chiều dốc mái (trực giao với hoành), gối lên hệ thống hoành.
- Mè là các dầm phụ nhỏ, đặt trực giao với dui, song song với hoành, gối lên hệ dui. khoảng cách giữa các mè là nhỏ nhất, vừa đủ để lợp ngói. Việc sử dụng hệ kết cấu hoành - dui mè, nhằm phân nhỏ nhịp của kết cấu đỡ mái thành hệ lưới vừa đủ để lát lớp gạch màm và lợp ngói bên trên.
- Gạch màn là một loại gạch lá nem đơn bằng đất nung, có tác dụng đỡ ngói đồng thời tạo độ phẳng cho mái, chống thấm dột và chống nóng. Gạch màn ngồi trực tiếp trên lớp mè.
- Ngói mũi hài hay còn gọi là ngói ta hay ngói vẩy rồng, bằng đất nung, trực tiếp chống thấm dột và chống nóng, lợp trên lớp gạch màn và cũng có thể có lớp đất sét kẹp giữa.
Cột nhà
Cột nhà là phần đỡ chính của công trình, cột đặt lên các đế chân cột chứ không trực tiếp chôn xuống nền và chính sức nặng sẽ làm công trình ổn định và vững vàng hơn.
Trong kiến trúc nhà 3 gian cũ, các thức cột chủ yếu dạng hình trụ tròn, bao gồm cột cái, cột quân (cột con) và cột hiên.
- Cột cái: cột chính của nhà đặt ở hai đầu nhịp chính tạo chiều sâu cho gian giữa. Nối hai cột cái là câu đầu.
- Cột quân hay cột con: cột phụ ngắn hơn cột cái, nằm ở đầu nhịp phụ hai bên nhịp chính. Khác biệt chiều cao của cột cái và cột con tạo ra độ dốc của mái nhà. Xà nách nối cột con với cột cái.
- Cột hiên: nằm ở hiên nhà, phía trước, ngắn hơn cột con. Kẻ bảy nối cột con và cột hiên.
Ngoài các cấu kiện chính trên, ngôi nhà 3 gian cổ truyền còn được cấu tạo từ các bộ phận như hình vẽ sau:
Kết cấu mái và khung nhà theo kiến trúc nhà 3 gian
Phân tích cấu tạo kiến trúc nhà 3 gian cổ có thể đơn giản hóa quy trình dựng nhà như sau: Căn nhà được xây dựng theo các vì nhà, sau đó các vì được dựng lên và nối với nhau bằng các xà ngang và xà ngưỡng tạo thành một hình hộp. Tiếp đến là công đoạn lợp mái ngói và làm tường nhà.
Đơn vị cơ bản của nhà là “vì nhà”, giữa 2 vì gọi là “gian”. Từ số gian muốn xây dựng mà có thể nhẩm tính được số lượng vì cần thiết. Mỗi một giai đoạn trong lịch sử, vì nhà lại có những đặc trưng theo lối kiến trúc, trang trí riêng, in dấu nền văn hóa của thời đó.
Xem thêm: Thiết kế nhà thờ gia đình mang đậm nét truyền thống với kiến trúc nhà 3 gian
Về chất liệu sử dụng
Kiến trúc cổ truyền Việt Nam nói chung và kiến trúc nhà 3 gian cổ nói riêng đa phần sử dụng kết cấu gỗ. Những loại gỗ chắc chắn được chọn để dựng nhà thường là gỗ lim, gỗ mít, gỗ xoan. Chẳng vậy mà những ngôi nhà gỗ truyền thống có thể xem như là biểu tượng của tinh hoa kiến trúc Việt, nơi chứa đựng không gian văn hóa, không gian tâm linh đối với mỗi người dân
Nhà gỗ 3 gian (thường được gọi là nhà kẻ truyền 3 gian) được xây cất chủ yếu trên chất liệu gỗ. Cuộc sống của con người được chở che dưới vẻ đẹp, sự chắc chắn, yên bình của gỗ. Nhìn những ngôi nhà gỗ còn được lưu giữ đến tận bây giờ, sẽ chẳng ai tưởng tượng được cái cảnh biến hóa tài tình của người thợ để từ những thân gỗ nguyên sơ, xù xì trạm khắc thành những cột gỗ nhẵn nhụn, tròn trịa hay những bức hoa văn uốn lượn cầu kì, hình đầu thú đầy tinh xảo, công phu.
Nhà kẻ truyền 3 gian được làm từ chất liệu gỗ tự nhiên
Dựng lên được ngôi nhà kẻ truyền 3 gian tất nhiên không phải điều đơn giản và thời xưa không phải ai cũng có thể làm được. Để có đủ gỗ và thuê được thợ dựng nhà thông thường phải là các gia đình địa chủ hoặc có chức sắc. Những gia đình bần nông thời trước dựng nhà bằng vách đất, vách nứa đan, mái tranh từ rơm, rạ, cọ,… khung nhà bằng những cây tre, cây luồng lớn. Kỹ thuật độc đáo phổ biến ở Trung bộ và đông Nam bộ hay vùng núi Bắc bộ là trình tường bằng đất và làm vách “mành trĩ”. Trong đó vách mành trĩ được cấu tạo với cốt tre đan ô vuông, lấp kín lại bằng vật liệu hỗn hợp sợi rơm với đất bùn pha sét. Loại vách này nhìn kỹ không khác gì vách tường gạch nhưng cách âm cách nhiệt thì tốt hơn hẳn.
Trình tường đất, mái tranh trong kiến trúc nhà 3 gian cổ
Hiện nay còn rất ít các ngôi nhà gỗ nguyên vẹn từ thời xưa để lại. Nằm ở xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, ngôi nhà gỗ 3 gian của Bá Bính, nguyên mẫu nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, trải qua hơn 100 năm nay vẫn vững chãi. Và ẩn dưới sự vững chãi ấy là câu chuyện về lịch sử, câu chuyện về kiến trúc nhà 3 gian cổ, câu chuyện về những người thợ mộc tài hoa, câu chuyện về trí tuệ dân gian và câu chuyện về kinh nghiệm xây nhà của cha ông ta.
Gỗ dần trở nên khan hiếm và đắt đỏ trong khi nhu cầu xây dựng ngày càng cao, đó cũng là lúc những ngôi nhà 3 gian bằng bê tông xuất hiện. Đến lúc này, kiến trúc nhà 3 gian về cơ bản vẫn được giữ nguyên theo hình mẫu, tuy nhiên đã có sự thay đổi về chất liệu phù hợp hơn. Ban đầu là khung gỗ, trát đứng, đắp đất, có hệ thống cửa “bức bàn” hay “cửa phố”, một vài gia đình thì chọn xây tường gạch. Sau đó là sự phát triển của nhà bê tông cốt thép, tường gạch. Đó là câu chuyện về những ngôi nhà 3 gian cách tân khi có dịp chúng tôi sẽ cùng bạn tìm hiểu ở bài viết kì sau!
Kiến trúc nhà 3 gian sử dụng chất liệu mới
Về kết cấu
Kiến trúc nhà 3 gian cổ làm từ gỗ hay các vật liệu dân gian thường có khung sườn gỗ (tre), có đúc mộng và các lỗ mộng (không dùng đinh), vĩ kèo gỗ đòn tay, rui mè, đòn vong, cột kê tán (không móng cừ). Tùy vào điều kiện địa lý, chất đất mà có thể có kết cấu nâng sàn, nửa nhà sàn nửa nền đất, hay trên nền đất nhưng không có lầu hay tầng như các nước khác. Độ dốc của mái cao, lớn hơn 45 độ). Chiều cao của nhà cũng tùy vào điều kiện của từng gia đình.
Hệ thống xương chính của ngôi nhà thường làm bằng gỗ được ăn mộng với nhau một cách chắc chắn với loại mộng én hay mộng đuôi cá.
Nhà gỗ kẻ truyền được phục dựng thời nay theo kiến trúc nhà 3 gian
Kết cấu khung gỗ khớp nối bởi các mộng, trạm trổ hoa văn trên gỗ tinh xảo
Các hình thức biến chuyển của kiến trúc nhà 3 gian
Tổ chức mặt bằng theo phương ngang, kết cấu các vỉ chia gian, ngoài hình thức nhà 3 gian, cha ông ta còn dựng lên các ngôi nhà 5 gian (nhà 3 gian 2 chái), 7 gian (nhà 5 gian 2 chái), 9 gian (nhà 7 gian 2 chái)… tùy vào nhu cầu sử dụng của từng gia đình. Nếu để ý, bạn sẽ thấy một điểm thú vị rằng, các ngôi nhà cổ xưa chỉ được dựng theo cơ số lẻ (3,5,7) mà không làm theo số gian chẵn. Điều này xuất phát từ quan niệm hung cát, số 3,5,7 là thuộc cung cát, số 2,4,6 thuộc cung hung.
Kiến trúc nhà 3 gian nói riêng và kiến trúc nhà 5 gian, 7 gian,.. có kết cấu đăng đối với số gian lẻ. Vì vậy gian chính giữa bao giờ cũng dành cho việc thờ cúng tổ tiên và tiếp khách. Sự sắp xếp trong một ngôi nhà Việt cổ cũng cho thấy sự thiên lệch vị trí giữa nam và nữ thời xưa, chỗ ngủ của đàn ông trong gia đình là ở các gian chính, còn chỗ sinh hoạt và nghỉ ngơi của người phụ nữ là ở các chái bên cạnh hoặc ở nhà ngang, nhà phụ với vách ngăn và lối đi riêng.
Hình ảnh ngôi nhà 5 gian (nhà 3 gian 2 chái)
Cảnh quan sân vườn và kiến trúc nhà 3 gian cổ- sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và cuộc sống con người.
Không gian sống không đơn thuần chỉ là ngôi nhà mà còn là những cảnh quan chung quanh nó, nơi đã bao bọc và trở thành một phần kí ức tuổi thơ yên bình của nhiều người con đất Việt. Từng khoảnh sân nhỏ với chiếc chum, chiếc vại, bờ giếng góc kia hay dàn hoa mướp, gốc sấu,…đã ôm lấy và nuôi dưỡng ta lớn lên, hồn nhiên và dung dị, chân thành và mộc mạc.
Người Việt sau hàng nghìn năm tồn tại và phát triển đã tự tạo dựng cho mình một môi trường sống cân bằng sinh thái mà kiến trúc hiện đại ngày nay còn phải học tập rất nhiều. Trong khuôn viên kiến trúc nhà 3 gian truyền gian truyền thống của mỗi gia đình, đều có các thành phần: nhà chính, nhà phụ, vườn cây, ao cá, chỗ chăn nuôi gia cầm, gia súc, sân chơi trước nhà, sân phơi, hàng rào, cổng,…Người xưa đã biết sắp xếp khuôn viên của gia đình mình thành một chuỗi khép kín, bao bọc và bảo vệ dòng năng lượng khép kín. Họ đã biết cách khai thác về mặt sinh thái để ổn định cuộc sống gia đình, hài hòa với môi trường, tạo điều kiện cân bằng để giữ thế ổn định chung.
Bố cục tổng thể xung quanh của kiến trúc nhà 3 gian bắc bộ có nhiều kiểu, nhưng thông thường sẽ được tổ chức theo 2 kiểu cơ bản là nhà hình thước thợ và hình chữ Môn. Nhà hình thước thợ bao gồm nhà chính và nhà phụ (nhà ngang chia thành nhà kho chứa dụng cụ và nhà bếp). Còn nhà hình chữ Môn tức là nhà chính nằm ở chính giữa, hai bên là hai căn nhà phụ, thường gặp ở các gia đình khá giả hơn. Ngoài ra còn có các kiểu nhà khác nhưng không được dùng phổ biến là nhà kiểu chữ đinh, chữ nhật, chữ nhị, chữ công,…
Xem thêm: Biệt thự nhà vườn 3 tầng 2 mặt tiền
Quang cảnh sân vườn nhà 3 gian- nơi ôm ấp ký ức tuổi thơ của bao người
Trải qua nhiều thời gian, nhiều thế kỉ, trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, kiến trúc nhà 3 gian vẫn còn tồn tại, lẩn khuất đâu đó trong các ngôi làng, mang trên mình lớp rêu phong cổ xưa, cũ kỹ nhưng mộc mạc và chân thành như chính tâm hồn của những người con đất Việt.